Giá dịch vụ thoát nước: Từ cơ sở pháp lý đến tổ chức thực hiện
Dịch vụ thoát nước đô thị theo quy định hiện hành là loại dịch vụ công ích có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người dân đô thị và bảo vệ môi trường tự nhiên.
ky 1 su can thiet va co so phap ly
Sự cần thiết
Nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ thoát nước đối với sự phát triển bền vững, trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước/nguồn vốn ODA từ các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài cho phát triển hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam. Do khó khăn về ngân sách không chỉ tại các đô thị vừa và nhỏ mà ngay tại các đô thị lớn kinh phí dành cho các hoạt động duy tu, duy trì, quản lý vận hành, khai thác hệ thống thoát nước đô thị cũng chỉ đủ để duy trì hoạt động và không đủ để cải thiện và mở rộng dịch vụ thoát nước chưa nói đến phải trả nợ vốn vay mà hầu hết việc đầu tư xây dựng cho hệ thống thoát nước trong những năm qua đều vay từ nguồn vốn nước ngoài. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị mà nhiều hệ thống thoát nước ở các đô thị Việt Nam đang bị xuống cấp nghiêm trọng do không có đủ vốn để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới.
Huy động các nguồn vốn cho đầu tư và quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thoát nước đô thị, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp và đặc biệt phải có sự tham gia của người dân sống trong đô thị. Một trong những biện pháp được áp dụng đó là chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước. Vấn đề đặt ra đó là chính sách chia sẻ chi phí phải như thế nào để đảm bảo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu để chủ động trang trải các hoạt động duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước, giảm dần trợ cấp từ nguồn ngân sách vừa đảm bảo khả năng thanh toán/chi trả của người sử dụng dịch vụ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người dân đối với xả thải nước thải ra nguồn tiếp nhận và cũng thông qua việc trả tiền dịch thoát nước người dân thực hiện quyền giám sát các hoạt động của đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước tại đô thị nơi mình sinh sống.
Các cơ sở pháp lý
Về giá dịch vụ thoát nước. Cách đây 13 năm tại Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và KCN đã có quy định về phí thoát nước trong đó đã làm rõ: Phí thoát nước là phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng cho các khu vực đô thị và KCN có hệ thống thoát nước tập trung. Đối tượng thu phí này là tất cả các hộ thoát nước xả thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí này. Phí này được xác định theo tỷ lệ % và không thấp hơn 10% giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau. Song song với Nghị định này có Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng cho các hộ thoát nước xả thải trực tiếp ra môi trường. Phí này cũng được xác định theo tỷ lệ % trên giá tiêu thụ nước sạch.
Cách đây 6 năm Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải thay thế Nghị định số 88/2007/NĐ-CP trình bày ở trên trong đó chuyển đổi từ phí thoát nước thành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước). Nếu theo Nghị định 88/2007/NĐ-CP phí thoát nước được xác định trên % giá tiêu thụ nước sạch thì giá dịch vụ thoát nước theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP được xác định dựa trên toàn bộ chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ và mức lợi nhuận hợp lý cho một m3 nước thải để thực hiện nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải. Việc xác định giá dịch vụ xử lý 1 m3 nước thải tuân thủ theo Thông tư hướng dẫn phương pháp định giá số 13/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Về quản lý và sử dụng nguồn thu từ dịch vụ thoát nước: Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra nguồn thu từ dịch vụ thoát nước được sử dụng như thế nào? Tại Điều 44 Nghị định 80/2014/NĐ-CP đã quy định: (a) Chi trả cho dịch vụ đi thu, đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải hàm lượng COD; (b) Chi trả dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; (c) Đầu tư để duy trì và phát triển hệ thống thoát nước; (d) Các chi phí hợp lệ khác theo quy định.
Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Ngày 05/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (Nghị định này thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP, Nghị định 67/2003/NĐ-CP trước đây) đã quy định: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định này. Tại khoản 7 của Điều 5 quy định: “Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị (theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải) đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận”.
Như vậy theo quy định được hiểu một hộ thoát nước/xả nước thải sinh sống tại đô thị kết nối với hệ thống thoát nước của đô thị đã nộp tiền dịch vụ thoát nước theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP thì không phải nộp phí môi trường và không có chuyện phải trả cả 2 loại như trên một vài phương tiện đại chúng đã thông tin.
Quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí này này cũng đã được quy định tại Điều 3, Điều 9 của Nghị định này.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng
Bài viết khác
- Nguyên nhân vì sao Dubai ngập trong biển nước chỉ sau một trận mưa
- Đồng Nai đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cấp thoát nước đô thị
- Hà Nội: Đề xuất đầu tư, xây dựng chống úng ngập cục bộ trên địa bàn thành phố
- Chiến lược phát triển ngành Xây dựng giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045
- Hệ thống thoát nước hiện đại của Singapore có nhiều nắp ganivo?
- Ngành Vật liệu xây dựng dần phục hồi sau đại dịch
- TP.HCM: Nâng cao công tác quản lý vật liệu xây dựng
- Phát hiện vật liệu mới có độ cứng hơn cả kim cương