VIETA
0948 229 955
0948 129 955
Nắp hố ga Việt Á
Tư vấn bán hàng
0948 229 955 - 0948 129 955
  • Hỗ trợ trực tuyến
  • Phòng kinh doanhPhòng kinh doanh0948 229 955
  • Phòng kế toánPhòng kế toán0383 654 694
  • Phòng tư vấn sản phẩmPhòng tư vấn sản phẩm0912 622 888/ 0948 229 955
  • Phòng Thiết kế - kỹ thuật sản xuấtPhòng Thiết kế - kỹ thuật sản xuất0912 622 888

Cần lời giải để chấm dứt tình trạng đô thị "Cứ mưa lớn là ngập úng"

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng.
 
 
Hiện nay, tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng” đã trở thành chuyện “thường ngày” tại các đô thị. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này, thưa ông?
 
 
“Cứ mưa lớn là ngập” đã trở thành “chuyện thường ngày” tại các đô thị. Điều này đã trở nên quen thuộc với người dân đô thị, đặc biệt là từ những năm 2010 đến nay. Đô thị càng lớn càng ngập nhiều nơi không kể đồng bằng hay miền núi. Thậm chí những đô thị vùng cửa sông, ven biển không chỉ ngập do mưa mà còn do ảnh hưởng thủy triều (nước biển dâng) “không mưa cũng ngập” đã và đang diễn ra. Để trả lời câu hỏi này, mỗi người sẽ có quan điểm cá nhân khác nhau. Tuy nhiên có thể tổng hợp theo các nhóm yếu tố hay là nguyên nhân gây ngập úng đô thị như sau:

Nhóm yếu tố tự nhiên: (1) Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) đã đang và vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam là một trong sáu nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với những diễn biến phức tạp, khó dự đoán. BĐKH dẫn tới các yếu tố ảnh hưởng tự nhiên: gia tăng nhiệt độ, nước biển dâng, tần suất bão, mưa, hạn hán,… Trong đó mưa, NBD là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến ngập lụt đô thị; (2) Nhiều trận “mưa cực đoan” đã xảy ra với lượng mưa 100 -150 - 200mm/trận thậm chí đã có những đợt mưa 400-500mm xảy ra thường xuyên hơn không theo tần suất 1%, 2%, 5%, 10%,…(100 năm, 50 năm, 10 năm,…); (3) Về nước biển dâng: theo kịch bản BĐKH, NBD tại Việt Nam, nếu nước biển dâng 1m thì vùng ven biển Việt Nam được chia thành 7 vùng với mức ngập khác nhau vào cuối thế kỷ XXI; NBD cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang khoảng từ 62 đến 82cm; thấp nhất Móng Cái đến Hòn Dấu từ 49-64cm. Trung bình khoảng từ 57 đến 73cm.

Nhóm yếu tố “nhân tạo”: (1) Hệ thống thoát nước mặt (mưa) của các đô thị đã xây dựng lâu qua nhiều thời kỳ, chắp vá thiếu đồng bộ không đảm bảo năng lực thoát nược với các điều kiện tự nhiên có thay đổi (số liệu tính toán hệ thống thoát nước với năng lực trận mưa 30-50-70mm – thực tế lượng mưa và mực NBD như dự báo đã nêu trên); (2) Bảo trì sửa chữa hệ thống thoát nước còn hạn chế vì chủ yếu được đầu tư từ ngân sách; (3) ý thức người dân trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước; lấn chiếm, xả chất thải rắn các sông suối, kênh rạch, hồ trong đô thị làm giảm năng lực thoát nước; (4) Quy hoạch đô thị trong đó có nội dung về cao độ nền và thoát nước mặt được yêu cầu quy hoạch cao độ nền (xây dựng) làm cơ sở tổ chức hệ thống thoát nước đô thị và cảnh quan đô thị theo điều kiện tự nhiên (vùng miền) đối với phát triển không gian đô thị; Nội dung này thực tế trong tổ chức phát triển hạ tầng thoát nước đô thị còn hạn chế, không theo kịp phát triển đô thị; mặt phủ bê tông hóa (không thấm nước) gia tăng khi đô thị phát triển dẫn tới lượng nước mưa dẫn vào hệ thống thoát nước gia tăng (có thể tăng 20-30%) vượt năng lực của hệ thống thoát nước đô thị.
 

Thưa ông, thực tế các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực đưa ra giải pháp chống ngập úng nội đô. Vậy trong số các nguyên nhân dẫn tới việc tái diễn ngập úng, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm vấn đề gì?

Về cơ bản, tình trạng ngập úng các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM chủ yếu bắt nguồn từ hai nhóm yếu tố đã nêu trên. Tuy nhiên cần xem xét đến các điều kiện tự nhiên đặc thù của từng địa phương để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cụ thể cho địa phương của mình.

Theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt là một nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị của quy hoạch chung đô thị. Riêng đối với các đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương thì nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập thành đồ án riêng (cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị). Như vậy Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sau khi được phê duyệt quy hoạch chung đô thị sẽ thực hiện quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Về “phương án phòng chống ngập úng đô thị” sẽ thuộc nội dung của Đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt (không chỉ là riêng nội dung quy hoạch thoát nước); và việc thực hiện quy hoạch chuyên ngành này các đô thị nêu trên còn rất hạn chế. Hiện nay Hà Nội và TP. HCM đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng và sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới; theo quan điểm của tôi nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt cần được chú trọng tới các nhóm yếu tố ảnh hưởng để xem xét, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với BĐKH, NBD. Đặc biệt sẽ triển khai sớm đồ án Quy hoạch (chuyên ngành) cao độ nền và thoát nước mặt sau khi quy hoạch chung xây dựng thành phố được phê duyệt là cơ sở rà soát, đánh giá, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thích ứng với BĐKH, NBD (phòng chống ngập úng đô thị).

Có ý kiến cho rằng, cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước là một trong những giải pháp giảm thiểu ngập úng? Vậy ông có đồng ý với nhận định này?

Theo tôi “cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước là một trong những giải pháp giảm thiểu ngập úng”, tuy nhiên vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ: Thứ nhất, việc lập quy hoạch cần có được “chất lượng” xem xét đầy đủ các yếu tố nguyên nhân cũng như đặc thù điều kiện tự nhiên (theo vùng miền) có giải pháp phù hợp; Thứ hai, tổ chức thực hiện quy hoạch cần kế hoạch, tiến độ, nguồn lực thực hiện và quan trọng hơn là sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, nhận thức của người dân tham gia trong đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nói riêng và phát triển đô thị nói chung.

Khi mà việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đặc biệt thoát nước đô thị cần nguồn vốn rất lớn và chủ yếu là từ nguồn ngân sách để đầu tư thì việc đề xuất “cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước” là không thể thiếu trong thu hút đầu tư. Cơ chế thu hút đầu tư cần tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vì hệ thống thoát nước đô thị là dịch vụ công ích, không phải dự án đầu tư “hấp dẫn sinh lời” vì vậy “cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư” là thực sự cần thiết.

Trong thời gian tới, các thành phố lớn trong cả nước cần thay đổi những gì để hạn chế và chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng”, thưa ông?
 
 
Đây là câu hỏi rất hay và cũng rất khó có được câu trả lời hoàn chỉnh. Theo tôi, mong muốn chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng” không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần có thời gian, lộ trình thực hiện và thể chế hóa với sự vào cuộc của cấp chính quyền, các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư:

Thứ nhất là nâng cao chất lượng tổ chức lập quy hoạch đô thị trong đó nội dung cao độ nền và thoát nước cần được chú trọng (theo các nhóm yếu tố đã được nêu trên) bao gồm cả việc thực hiện quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt;

Thứ hai là tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch đã được phê duyệt cần xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật trong đó có hạ tầng cao độ nền và thoát nước của đô thị cũng như quản lý, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện các dự án trong khu vực đô thị theo các giai đoạn quy hoạch phù hợp cao độ nền (xây dựng) và khung hạ tầng thoát nước của đô thị được phê duyệt;

Thứ ba là quyết tâm của chính quyền trong việc tổ chức quản lý thực hiện, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý cao độ nền (xây dựng) cũng như hệ hệ thống thoát nước trong đó chú trọng theo các nhóm nguyên nhân đã được tổng hợp nêu trên và cần nguồn vốn rất lớn. Vì vậy việc “cải thiện cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước” với chính sách cụ thể “thuận tiện và có lợi” cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cần được chú trọng;

Thứ tư là nâng cao năng lực quản lý đối với cán bộ quản lý đô thị các cấp trong đó có quản lý hạ tầng cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; và một điều không thể thiếu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân tham gia giám sát, góp ý, bảo vệ,… thực hiện quy hoạch quy hoạch đô thị nói chung cũng như quy hoạch cao độ nền và hệ thống thoát nước đô thị nói riêng;

Cuối cùng, để thực hiện “phòng chống ngập úng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” vấn đề quản lý thoát nước đô thị cần được pháp lý hóa trong Luật Cấp Thoát nước đang được Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng dự thảo Luật theo kế hoạch sẽ ban hành năm 2025.

Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo tạp chí cấp thoát nước Việt Nam
Bài viết khác