VIETA
0948 229 955
0948 129 955
Nắp hố ga Việt Á
Tư vấn bán hàng
0948 229 955 - 0948 129 955
  • Hỗ trợ trực tuyến
  • Phòng kinh doanhPhòng kinh doanh0948 229 955
  • Phòng kế toánPhòng kế toán0383 654 694
  • Phòng tư vấn sản phẩmPhòng tư vấn sản phẩm0912 622 888/ 0948 229 955
  • Phòng Thiết kế - kỹ thuật sản xuấtPhòng Thiết kế - kỹ thuật sản xuất0912 622 888

Đề xuất cụ thể về Quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước trong dự thảo Luật

 

Sau một thời gian tiếp thu ý kiến chỉnh sửa, Dự thảo Luật Cấp Thoát nước (lần 02) được thiết kế với 08 Chương, 68 Điều; cụ thể hóa 03 chính sách gồm: Chính sách 01 - Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Chính sách 02 - Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Chính sách 03 - Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước. 

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo vẫn còn một số vướng mắc cần có sự tư vấn, góp ý từ các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong đó, một số đề xuất đã được trình bày như lĩnh vực cấp, thoát nước cần có quy hoạch theo phạm vi ranh giới cấp tỉnh; đồng thời linh động trong vấn đề phân cấp trách nhiệm theo hướng giao cho địa phương phê duyệt… 

Các vấn đề có tính chiến lược như quy hoạch, kế hoạch - cơ sở lập dự án đầu tư; giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án; giai đoạn đầu tư xây dựng; giai đoạn khai thác vận hành; giá dịch vụ; tổ chức quản lý;… cũng được bàn luận sôi nổi. 

Cần giải quyết vướng mắc về vấn đề quy hoạch, phân vùng cấp nước

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch VWSA Trần Anh Tuấn cho biết: "Quản lý hệ thống cấp thoát nước còn chồng chéo chưa thống nhất; Các địa phương quản lý khác nhau; Thiếu quy định quản lý, đầu tư xây dựng đối với hệ thống cấp nước liên tỉnh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các dự án gặp phải vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế". 

Nội dung nêu trên đã được cụ thể hóa tại Chính sách 01: Phát triển hệ thống cấp nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Theo đó, dự thảo Luật đề cập tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp nước, đầu từ phát triển và quản lý vận hành công trình (hệ thống); Nội dung quy hoạch hệ thống cấp thoát nước sẽ tiến hành đồng bộ, thống nhất và ứng phó BĐKH trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (quy hoạch đô thị và nông thôn). 

Điều này dẫn đến việc quy hoạch cấp thoát nước sẽ có liên quan mật thiết và sẽ là nội dung nằm trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, trong số 63 tỉnh thành, hiện vẫn còn 05 thành phố trực thuộc trung ương chưa được phê duyệt quy hoạch tỉnh. Do đó, ban soạn thảo chưa đủ cơ sở để bổ sung quy định cụ thể về quy hoạch cấp thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như lập kế hoạch cấp thoát nước theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. 
 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Ông Trương Minh Ngọc, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết: "Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp nhận định, nếu nội dung quy hoạch cấp thoát nước nằm trong đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến hành dự án đầu tư".

Tuy nhiên, trong bản thảo mới nhất của dự thảo Luật Cấp Thoát nước lần này đã có điều 23, điều 24 và điều 25 quy định cụ thể về nội dung Quy hoạch Cấp Thoát nước và Kế hoạch phát triển cấp thoát nước tại các tỉnh thành. 

Ông Trương Minh Ngọc đánh giá cao những nội dung này đã được quy định rõ ràng hơn rất nhiều so với nội dung quy chuẩn cấp thoát nước tại Luật Quy hoạch năm 2017. Ban biên soạn có thể bổ sung thêm dựa trên căn cứ vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như các quy hoạch dưới như quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch chuyên ngành đối với các thành phố trực thuộc trung ương. Nếu làm được như vậy, hoàn toàn có đủ cơ sở để thành lập dự án, gỡ rối vướng mắc cho doanh nghiệp. 
 

Tiếp thu và chia sẻ một số khó khăn trong quá trình soạn thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết, dự thảo Luật Cấp Thoát nước cần tiếp tục nghiên cứu về vấn đề quy hoạch, yêu cầu là phải có quy hoạch đủ điều kiện lập dự án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quy hoạch tỉnh thì rất rộng; quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp huyện thì cụ thể hơn, nhưng hầu như các dự án cấp, thoát nước lại vượt qua ranh giới các quy hoạch thành phần này. Do đó, ban soạn thảo gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình biên soạn nhằm đảm bảo yêu cầu về sự thống nhất của mạng lưới hạ tầng cấp, thoát nước trong phạm vi một địa phương.

Mặt khác, thực tế trong các quy hoạch tỉnh hiện nay, nội dung quy hoạch hạ tầng, cấp nước đã tương đối rõ đến vùng liên huyện, bao gồm mạng lưới và các công trình đầu mối. Tuy nhiên nội dung thoát nước thì hầu như chưa có, chỉ mới đề cập đến thủy lợi, thoát nước mưa, tưới tiêu. Do đó, Luật Cấp, Thoát nước cần quy định rõ hơn về nội dung này.

Chia sẻ về việc này, ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và áp lực đô thị hóa, một số nội dung về quy hoạch thoát nước, chống ngập úng chưa thích ứng được với thực tiễn. Trên thực tế, các địa phương quản lý công trình vùng địa phương, do đó các chủ đầu tư chưa có thể tham gia vào công trình thoát nước cụ thể là các hồ điều hòa.

Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn dự thảo Luật sắp tới sau khi được phê duyệt sẽ tạo điều kiện, khuyến khích cũng như gỡ rối khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Tổng hợp các ý kiến góp ý, Cục trưởng Tạ Quang Vinh cho biết, đơn vị soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát rất nhiều ý kiến trong khoảng một năm rưỡi, cập nhật tất cả các khó khăn, vướng mắc vào tài liệu.

“Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để cập nhật vào tài liệu; đồng thời mong muốn các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu góp ý để Ban soạn thảo tiếp tục cập nhật, hoàn thiện nội dung dự thảo” - ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo Tạp Chí Cấp Thoát Nước Việt Nam
Bài viết khác